Mười năm Festival Mỹ thuật Trẻ: Mảnh “sinh thiết” của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc?

Vũ Lâm. 12 / 2017                                                                                                          ——–

Các loại hình nghệ thuật đương đại với các tính chất thích ứng và phản biện văn hoá cho một xã hội của thời đại mới đã du nhập vào Việt Nam từ sau năm 1990 và được các nghệ sĩ tiền phong thời điểm đó hào hứng thực hành – giống như một cánh cửa để mỹ thuật Việt hoà nhập vào dòng chảy của khu vực và thế giới. Nhưng cũng phải 17 năm sau đó, mới có Festival Mỹ thuật Trẻ (2007) có sự tham dự tổ chức chính thức của cơ quan quản lý văn hoá nhà nước. Mười năm tiếp theo đó, tức là mới vài ngày trước đây, là triển lãm kỳ thứ tư cũng mang tên như vậy, tại một địa điểm triển lãm chuyên nghiệp, nhưng mới tinh, vừa ra đời mới cách đây 4 tháng là Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại VCCA, 72 Nguyễn Trãi, Hà Nội…

10 năm lịch sử đi qua vài con số

Festival Mỹ thuật Trẻ 2007 được đánh giá khách quan là “có dáng dấp của một sự kiện nghệ thuật đương đại” với những nét thiết yếu sau: Festival (thường được dịch ở ta là lễ hội hay liên hoan) có “curator” (người tổ chức và tìm kiếm nghệ sĩ – tác phẩm để “dựng chuyện” thành các dự án mỹ thuật). Đó là các ông Đào Minh Tri và Trần Lương. Festival không dựa vào kinh phí nhà nước mà vận động tài trợ. Hội Mỹ thuật TP HCM đứng ra tổ chức tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội 42 Yết Kiêu. Vụ Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hoá – Thông tin lúc đó (chưa phải Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm của Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch như hiện nay) tài trợ 40 triệu đồng và đóng góp Hội đồng kiểm duyệt. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tài trợ 40 triệu. Qũy Thuỵ Điển – Việt Nam Phát triển Văn hoá (SIDA): 210 triệu; Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hoá Đan Mạch-Việt Nam (CDEF): 120 triệu. Năm mươi nghệ sĩ từ ba trung tâm mỹ thuật chính của cả nước là Hà Nội, TP HCM, Huế được chọn mời đích danh, hồ sơ tác phẩm qua ba lần duyệt (lần duyệt cuối của Bộ Văn hoá trước ngày khai mạc là bốn). Mỗi nghệ sĩ được tài trợ 4 triệu đồng cho tác phẩm. Tuy chỉ bày thực sự trong vòng 4 ngày, nhưng Festival này để lại dấu ấn công nhận quan trọng cho nghệ thuật đương đại, với sự phong phú về cá tính tác giả và có “chất lượng đương đại” thực sự ở các tác phẩm. Về loại hình, thì nhiều nhất là Sắp đặt, sau đó là điêu khắc và video art, cuối cùng mới đến trình diễn và hội hoạ. Các tác phẩm ngang vai với nhau, không đặt ra giải thưởng.


Đoàn Thị Ngọc Anh, Hình dung, Sắp đặt đồ họa – In Kẽm.

Năm năm sau, festival này thêm tên, trở thành Festival mỹ thuật Trẻ toàn quốc 2011. Vụ mỹ thuật đã lên cấp, trở thành Cục Mỹ thuật và là đơn vị tổ chức chính. Có 958 tác phẩm gửi ảnh tác phẩm đến tham dự. BTC chọn được 156 tác phẩm của 137 tác giả để trưng bày tại Nhà triển lãm Vân Hồ và có chấm giải. Thực tế, ngay từ lúc đó, kỳ cuộc này đã không nên gọi là festival nữa mà nên gọi là Cuộc thi (hay) Giải mỹ thuật Trẻ toàn quốc thì đúng tính chất hơn. Bởi đây đã trở thành một cuộc thi định kỳ cho người làm mỹ thuật từ 18 – 35 tuổi, kinh phí tổ chức hoàn toàn của nhà nước bỏ ra, chứ không phải “xã hội hóa” như lần đầu tiên. Các loại hình nghệ thuật “đương đại” nhất như Sắp đặt, trình diễn, video art ít dần đi, hội hoạ và điêu khắc tăng lên. Một cách khác mà nói, thì giải mỹ thuật trẻ này đã trở thành một hình ảnh khác, hay một một mảnh “sinh thiết” của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (chỉ khác có điều là ở Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, độ giãn gần như vô cùng về tuổi, có thể từ 18 đến… 81!)

Năm 2014, Festival này đã được lên lịch là cuộc thi định kỳ ba năm một lần, và bỏ đi chữ “toàn quốc”. Trong số 112 tác phẩm của 100 tác giả được chọn trưng bày tại 42 Yết Kiêu, kể cả trong số 762 tác phẩm gửi ảnh về để được lựa chọn, tỉ lệ các tác phẩm có hình thức đương đại (Trình diễn, Video art, Sắp đặt) có sự góp mặt vô cùng khiêm tốn.
Ngày 21 – 11 – 2017, Giải Festival mỹ thuật Trẻ khai mạc tại VCCA. Do Cục Mỹ thuật tổ chức và VCCA phối hợp tài trợ không gian và một phần kinh phí triển lãm. Từ 379 tác phẩm gửi ảnh từ 14 tỉnh thành phố để BTC lọc lần một, cuối cùng, giải có chính thức tổng số 95 tác phẩm của 80 tác giả tham dự. Trong đó chỉ có 4 tác phẩm sắp đặt, 01 tác phẩm video art và không có tác phẩm trình diễn nào. Không có giải Nhất, nhưng có tới 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Như vậy là sau ba cuộc triển lãm gần đây, Giải ít dần đi tác giả và tác phẩm gửi tham dự, mặc dù số lượng tỉnh thành đăng ký đông lên. Có không nhiều những tên tuổi tác giả dưới 35 tuổi đã khẳng định phong cách cá nhân tại các trung tâm mỹ thuật lớn tham gia. Và rất ít tác phẩm có hình thức đương đại gửi tham dự, có thể loại (như Trình diễn) không có mặt trong giải. Hội hoạ và điêu khắc, các loại hình “cổ điển” trở lại chiếm đa số, ở một địa điểm triển lãm cũng “truyền thống” hơn, chuyên dụng hơn (so với Nhà triển lãm Vân Hồ chẳng hạn).

Vậy, những con số này nói lên điều gì?

Về mặt khách quan mà nói, ba loại hình Sắp đặt – Trình diễn – Video art có mặt gần như bằng không tại Giải Mỹ thuật Trẻ 2017 cũng phản ánh một phần thực trạng đời sống của mỹ thuật thời điểm hiện tại. Cách đây hơn 20 năm, các loại hình mới du nhập này được nghệ sĩ trẻ tiếp nhận hăng hái. Sự hăng hái đó được ủng hộ từ những trung tâm văn hoá của các đại sứ quán, hoặc các quỹ giao lưu phát triển văn hoá nước ngoài tại Việt Nam bằng việc tài trợ địa điểm hoặc kinh phí. Sự hứng khởi đó còn lan ra cả những địa điểm sinh hoạt “underground” về văn hoá tại các tư gia hoặc quán xá, nơi thu hút đông giới trẻ cả trong nước và nước ngoài. Đến nay, khi các đơn vị đó rút chân dần ra, các nghệ sĩ thực hành loại hình mới này hồi đấy, nếu đã trở nên tiếng tăm, thì cũng có được một số cánh cửa mở hơn ở ngoài nước. Trong khi, lớp nghệ sĩ trẻ hơn nữa thì hình như ít “máu mê” thực hành các loại hình đó và khán giả trong nước cũng không còn lạ lùng gì mấy nữa. Lứa nghệ sĩ hăng hái ngày trước thì một số người đã thành già, lại trở thành thành viên giám khảo ở cuộc thi hiện nay (ví dụ như nghệ sĩ Ly Hoàng Ly). Sự du nhập tiến tới hoà nhập và chắt lọc. Hai thể loại Video art và Trình diễn do các hoạ sĩ làm chứ không phải do các đạo diễn phim hay nghệ sĩ sân khấu làm (Bởi đó là cách “vẽ” – tạo hình thực sự bằng máy quay phim, “vẽ” – tạo hình thực sự bằng thân thể của hoạ sĩ – chứ không phải vẽ lên thân thể) không hiểu sao càng ngày càng ít dần đi. Tác phẩm mỹ thuật có phong cách và ngôn ngữ ý niệm như các “game tâm lý” lại càng ít dần nữa. Đây có thể là hiện tượng tiếp nhận hay thải loại các hình thức mới của một vùng địa vực xã hội, cần được tìm hiểu thêm. Nhưng có một trường hợp thú vị là loại hình Sắp đặt lại được thích thú hoà nhập. Ví dụ các tác phẩm điêu khắc “lai” sắp đặt, hội hoạ “lai” sắp đặt được ứng dụng nhiều trong hàng loạt triển lãm những năm gần đây. Các triển lãm hội hoạ, điêu khắc… cá nhân của các nghệ sĩ trẻ có ý thức “sắp đặt” cũng kỹ lưỡng hơn hẳn trong cách thức trưng bày.

Còn về chủ quan, thì đơn vị tổ chức – người bỏ kinh phí là người ra quyết định cuối cùng và có cách lựa chọn phù hợp với tâm thế của họ. Điều này đã được khẳng định sau một số phản ứng của một số thành viên hội đồng nghệ thuật của Giải mỹ thuật Trẻ 2017 về chuyện có hay không có giải Nhất của triển lãm. Những tác phẩm sắp đặt và trình diễn, video art mạnh bạo, có tính phản biện tức thời trước các hiện tượng xã hội, luôn gây lúng túng cho việc kiểm duyệt và có lẽ cũng không nằm trong “gu” ưa thích của họ. Về mặt phía các nghệ sĩ trẻ, có lẽ những tác giả này cũng cảm thấy điều đó, nên “tự nguyện” không tham gia giải trước cả khi sẽ bị loại thẳng thừng. Nhưng quyết định của Ban tổ chức khi cho rằng hội đồng nghệ thuật chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, và thay đổi cơ cấu giải mà không trao đổi lại với các nghệ sĩ tham gia hội đồng, là một việc làm vừa thiếu sự trọng thị, vừa thiếu tính chuyên nghiệp.

Thêm một nhận định khái quát về riêng Giải mỹ thuật trẻ 2017, ngoài những tác phẩm chỉ “đèm đẹp” ra không kể, thì cũng có một số tác phẩm phản ánh cái nhìn bằng thái độ rõ ràng của giới trẻ trước các hiện tượng xã hội. Tuy vẫn còn khá nhiều tính “ý tứ văn học”, là điều mà những người làm nghệ thuật tạo hình chuyên nghiệp lâu dài cần bỏ qua sớm thì tốt. Ví dụ như tác phẩm nửa điêu khắc, nửa sắp đặt “Đơn hàng” của tác giả Đào Đình Tân (suýt được giải Nhất) trình bày sự phản ứng trước việc một số lúc con người bị coi như món hàng hóa trong thời nay. Còn một hiện tượng nữa là tần suất các tác phẩm phản ảnh về đề tài đời sống ảo của thế giới mạng và facebook làm cho sự giao tiếp thực sự giữa ngay thế hệ trẻ, thế hệ trẻ và các thế hệ trước trở nên xa cách, bàng quan đi là nhiều một cách đột biến. Rất lắm các tác phẩm vẽ có hình ảnh bạn trẻ cắm mặt vào smartphone và Facebook (18 tác phẩm đoạt giải, có tới 5 tranh có hình ảnh như vậy). Tuy những hiện tượng này mới dừng ở mức chỉ phản ánh bằng… hình ảnh, để ghi nhận, khi thì với vẻ thích thú, lúc thì có mầu sắc phê phán. Nhưng đó cũng đủ thấy thái độ tích cực của giới trẻ. Lớp người có tuổi hay bi quan thường được an ủi bằng câu nói: Hãy vững niềm tin ở thế hệ trẻ. Nhưng có lần tôi dạo facebook, thấy có tin nhắn của một bạn thanh niên, nhắn cho một người bạn thân đang bối rối về chuyện gia đình, đang kêu than về cha mẹ mình, rằng: Chúng ta có quyền tin vào thế hệ già chứ!!! Cậu cứ yên tâm đi, bình tĩnh…

Một số tác phẩm đạt giải tại Triển lãm:
            

http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Muoi-nam-Festival-My-thuat-Tre-Manh-%E2%80%9Csinh-thiet%E2%80%9D-cua-Trien-lam-My-thuat-Toan-quoc-11089